Thỉnh thoảng, phòng lab của Viện Đá Quý Hoa Kỳ (GIA) mới giám định các mẫu hổ phách hay đá giả chứa côn trùng, nhưng lần này hai mẫu giống hổ phách tự nhiên đặc biệt được đưa đến chỉ cách ngày. Đây cũng là cơ hội hiếm có để các nhà ngọc học nghiên cứu.
|
Hình 1: Mẫu đá giống hổ phách tự nhiên là đá nhân tạo chứa thằn lằn, làm bằng nhựa tổng hợp polystyrene, thằn lằn được đổ khuôn chung với nhựa. Hình của GIA. |
Mẫu thứ nhất (58,14 x 35,75 x 24,41 mm) chứa con thằn lằn đã phân hủy có đuôi bị gãy và mất một chân (hình 1). Khảo sát dưới phóng đại và ánh sáng phân cực, thấy một dải biến dạng hẹp xung quanh thân côn trùng. Cũng thấy bọt khí và một số dòng chảy. Tuy nhiên, những tính chất này chưa xác định được là hổ phách, copal hay plastic (nhựa tổng hợp). Chiết suất đo được 1,55, cao hơn chút xíu so với hổ phách (1,54), vẫn chưa kết luận được. Phát huỳnh quang cực tím cả sóng dài và sóng ngắn là vàng phớt lục phấn, lại giống với hổ phách. Tỷ trọng là 1,18 nặng hơn hổ phách, mẫu đá chìm trong dung dịch muối bão hòa (tỷ trọng 1,13), phòng lab thiên về plastic nhưng vẫn không dám kết luận là vì có thể tỷ trọng nặng hơn là nhờ xác thằn lằn quá lớn. Phòng lab xin phép chủ mẫu cho thử bằng phương pháp điểm nóng, kết quả cho mùi khét, đến lúc này mới kết luận là plastic. Để biết loại plastic, các nhà ngọc học phải đo mẫu bằng phổ Raman và xác định được mẫu chứa thằn lằn ở bên trái hình 1 là nhựa polystyrene.
Mẫu thứ hai (74,5 x 31,9 x 25,32 mm) ở hình 2, dễ xác định hơn mẫu trước.
|
Hình 2: Mẫu đá này cũng giống hổ phách tự nhiên, làm bằng nhựa copal và plastic, thằn lằn được đổ khuôn chung với nhựa. Hình của GIA. |
Xác thằn lằn chỉ bị phân hủy rất ít. Dưới kính phóng đại thấy có một mặt phân cách hai lớp và chứa nhiều bọt khí, chứng tỏ đây là một dạng đá ghép. Phần đáy có mây, các khe nứt và những tạp chất khác nhau. Phần trên chỉ có một kiểu biến dạng rộng, các dòng chảy và bọt khí xung quanh con thằn lằn. Chiết suất phần dưới là 1,54; phần trên 1,57. Cả hai phát quang màu vàng phớt lục phấn đến vàng, nhưng nửa dưới phát quang mạnh hơn một chút ở cực tím sóng dài.
Nhúng vào dung dịch muối bão hòa, mẫu lật ngược lên để lộ phần đáy lên trên, nhưng mẫu không chìm hẳn, nghĩa là tỷ trọng chung của mẫu thì £ 1,13 và phần đáy có tỷ trọng nhẹ hơn phần trên. Vì phần đáy có một số lổ nhỏ, nên có thể thử bằng các phương pháp hủy mẫu. Dùng cách thử điểm nóng, phần đáy tỏa mùi hương; thử bằng acetone thì vật liệu bị mềm, chứng tỏ phần dưới là copal (dạng hổ phách còn non). Với phần trên, do tỷ trọng cao hơn và thử điểm nóng có mùi khét nên kết luận là plastic. Đo cả hai phần bằng phổ Raman, khẳng định phần đáy là copal, phần trên là plastic nhưng không phải là polystyrene như ở mẫu 1.
Nhờ có 2 mẫu trên, ta thấy việc chế tạo đá có thằn lằn (hoặc các côn trùng) bên trong để làm giả hổ phách bằng các vật liệu khác nhau. Nhưng việc giám định bằng một số phương pháp thông thường chưa thể xác định được, mà phải nhờ đến các phân tích hủy mẫu mới kết luận. Do đó cần phát triển những phương pháp xác định hổ phách và đá giả hổ phách mà không hủy mẫu.
giv.vn sưu tầm
Hổ Phách – Công nghệ chế tác Hổ Phách, Trang Sức Hổ Phách rởm - KTHP
Hổ phách giả được chế tác từ thủy tinh, chất dẻo tổng hợp và một số vật liệu khó gọi tên mà chỉ dân trong nghề mới đánh vần chính xác. Để nạn nhân tương lai tin đồ giả là hổ phách thiệt, các chuyên gia bịp chơi chiêu cấy côn trùng vào trong theo kiểu để côn trùng vào trong một cái khuôn rồi đổ vật liệu vào, chờ cho khô rồi đánh bóng. Vậy là ra thành phẩm hổ phách “thứ thiệt”.
Hồ hởi khoe miếng “nhựa hổ” rởm vừa tậu cách đây 3 ngày tại một cửa hàng đá quý trên đường Âu Dương Lân (quận 8), anh Trần Văn Ngại, trú quận Bình Tân, khoe: “Tên gọi phổ biến của món này là hổ phách. Ngoài giá trị sức mạnh, có nó trong người sẽ giúp mình tích tụ sức mạnh, bài trừ độc chất và chống lại chứng đau khớp xương nữa đấy”.
Một sản phẩm hổ phách được rao bán online có giá lên đến hàng chục triệu đồng, với giấy chứng nhận Việt Nam chi phí chỉ vài chục ngàn đồng, liệu bạn có tin tưởng được chăng ???
Nhựa cây được phong bùa hộ mệnh
Anh Ngại khoe anh đã tuyển được 3 món đồ bằng hổ phách “vạn năm tuổi” gồm một miếng nhựa nguyên thủy hình lục giác bên trong có một con ong còn nguyên vẹn và hai miếng có hình trái tim, hình giọt nước to cỡ đốt đầu ngón tay cái người lớn. “Bùa hộ mạng thiên thu vạn kiếp của tôi đấy. Nhà cửa nặng nề âm khí hoặc ai đó nghiệp chướng nặng cỡ nào chỉ cần có mấy món này thì mọi thế lực âm binh bị tiễu trừ, bao xui xẻo, bất hạnh sẽ tan biến”.
Để khẳng định niềm tin của mình, Ngại phân tích: “Thông thường bên trong hổ phách có những con côn trùng như ong, mối, kiến… Do có màu sắc tuyệt đẹp, mùi thơm tuyệt hảo nên hổ phách được tiền nhân sử dụng làm nước hoa, làm đồ trang sức và quan trọng nhất là làm bùa hộ mệnh bởi tích tụ linh khí đất trời qua hàng triệu năm tiến hóa”.
Khu vực chợ Nhật Tảo, chợ Tân Bình, chợ Lớn… là những điểm mà dân sùng bái hổ phách như Ngại thường tới lui. Tại cửa hàng đá quý P.T. trên đường Tháp Mười (quận 5), chỉ vào mấy chiếc nhẫn hổ phách ánh màu vàng như vàng ròng, cô chủ đỏm dáng nhoẻn miệng cười thuyết khách: “Tiền thân của nhựa hóa thạch có dạng nhũ hoặc những khối nhựa xù xì, to nhỏ khác nhau. Qua bàn tay đẽo mài gọt giũa của nghệ nhân mà nó toát lên vẻ đẹp trong suốt, óng ánh, sống động. Tùy chất liệu nhựa cây mà hổ phách thành phẩm có màu xanh dương, trắng, nâu đỏ… nhưng phổ biến nhất vẫn là màu vàng”.
Tại cửa hàng kề bên, cũng với lời giới thiệu tương tự, bà chủ quầy khẳng định: “Tương truyền như sừng tê giác, những khối hổ phách được tạc thành chén, đũa có khả năng phát hiện, bài khử nọc độc nên được vua chúa tin dùng. Do nó có dương khí mạnh nên giúp mình trung hòa dẫn đến hóa giải mọi thế lực âm binh. Nhờ có những đặc tính siêu việt này mà dân gian xem nó là lá bùa hộ mệnh siêu hạng”.
Hổ phách giả thường được rao bán online rầm rộ, được chủ bán khẳng định chất lượng cao cấp, nhưng khi tìm đến nơi bán bạn sẽ thất vọng vì cơ sở vật chất tồi tàn của nó. Mẫu hổ phách giả này chụp tại một cửa hàng tại Hà Nội
Mù quáng nên dễ bị lừa
Ông Nguyễn Thành Như, một cán bộ địa chất ở tuổi hưu ở quận 1, cho biết: “Bọn gian sau khi chế tác ra hổ phách giả đã bày vẽ đủ màn đủ kiểu lừa gạt những người thiếu hiểu biết. Phổ biến nhất là việc chúng tung lên mạng nội dung biết ông A, ông B ở tỉnh X, tỉnh Y sở hữu món hổ phách tuyệt trần. Bị hấp dẫn trước thông tin, tay chơi ngờ nghệch tìm đến với mong muốn được nhượng quyền sở hữu báu vật. Ra vẻ tiếc nuối, ông A thông tin đã “gả” của quý cho một người khách rồi mách nước địa chỉ chủ nhân mới của món đồ. Sau vài bận đá qua đá lại, chủ yếu là hành tay chơi nhừ tử để anh ta tin đó là hàng thứ thiệt, bọn gian mới chịu gả món đồ giá chỉ vài chục ngàn đồng với giá bạc triệu”.
Theo ông Như, hổ phách giả được chế tác từ thủy tinh, chất dẻo tổng hợp và một số vật liệu khó gọi tên mà chỉ dân trong nghề mới đánh vần chính xác. Để nạn nhân tương lai tin đồ giả là hổ phách thiệt, các chuyên gia bịp chơi chiêu cấy côn trùng vào trong theo kiểu để côn trùng vào trong một cái khuôn rồi đổ vật liệu vào, chờ cho khô rồi đánh bóng. Vậy là ra thành phẩm hổ phách “thứ thiệt”.
“Làm thế nào để phân biệt hổ phách thiệt, rởm, thưa chú?”, tôi hỏi. “Trước đây chỉ có một cách duy nhất là đem đốt, nếu là hổ phách thật sẽ tỏa ra mùi hương dễ chịu nhưng với tay nghề làm giả siêu đẳng như hiện nay thì cách đó không ăn thua. Cách thử duy nhất là dùng quang phổ nhưng các tiệm kim hoàn thì bó tay, chỉ có các viện nghiên cứu mới đủ tầm tiến hành các thử nghiệm này”, ông Như cho biết.
Dứt lời, ông Như khuyến cáo: “Trên thế giới, hổ phách được ghi nhận có ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, thi thoảng mới tìm thấy hổ phách nhưng với số lượng cực kỳ khiêm tốn nên không có chuyện hổ phách được bày bán tràn lan. Mà nếu có là hổ phách thiệt thì nó đã được các tay chơi chuyên nghiệp tuyển vào bộ sưu tập rồi, không có kiểu buôn bán trôi nổi trên thị trường…” .
Thoe báo Công An Nhân Nhân